Những phụ nữ phòng, chống ô nhiễm môi trường

VHO- Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) trao giải Cuộc thi sáng tác thông điệp truyền thông về bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai trước bối cảnh Covid-19, nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày môi trường thế giới năm 2022.

Những phụ nữ phòng, chống ô nhiễm môi trường - Anh 1

 Bà Tô Thị Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình đại diện tập thể phụ nữ được vinh danh giải nhất chia sẻ tại lễ trao giải

 Tại lễ trao giải, những câu chuyện về những gương mặt phụ nữ và tập thể với những sáng kiến về bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai đã tạo nên những xúc động đối với những người tham dự.

Phụ nữ là nhân tố tích cực

Chia sẻ về các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam thời gian qua, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN nhấn mạnh: Phụ nữ là nhân tố tích cực, lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Với trách nhiệm của mình, nhiều năm qua Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả. Các cấp Hội đã triển khai sâu rộng công tác bảo vệ môi trường, gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, phong trào “Chống rác thải nhựa”, đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”... Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của cộng đồng.

“Để chào mừng Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 13, hơn 34.000 công trình và hơn 6,6 triệu cây xanh được trồng từ bàn tay của hội viên, phụ nữ trên toàn quốc. Gần 17.000 công trình, phần việc bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đây là minh chứng sinh động khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống”, bà Hà Thị Nga khẳng định.

Tại sự kiện, đại diện hội viên phụ nữ tại Hà Nội, Bắc Giang, Cà Mau đã trao đổi kinh nghiệm triển khai các mô hình cụ thể về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ.

Lấy chất liệu từ cuộc sống

Dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) công bố kết quả và trao giải Cuộc thi “Sáng tác thông điệp truyền thông về bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai trước bối cảnh Covid-19 và đề cử các gương mặt phụ nữ, sáng kiến về bình đẳng giới trong phòng, chống thiên tai”. Đối với hạng mục “Sáng tác thông điệp truyền thông” có 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 2 giải khuyến khích và 1 giải bình chọn. Đối với hạng mục “Đề cử các gương mặt phụ nữ” có 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải khuyến khích. Đối với hạng mục “Đề cử sáng kiến” đã có 5 sáng kiến được chọn là “Sáng kiến tốt nhất cuộc thi”.

Đại diện cho tập thể phụ nữ được vinh danh giải nhất, bà Tô Thị Minh, huyện Thái Thụy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình chia sẻ, bản thân trồng rừng từ những ngày học cấp 2, khi được “khoác” tấm áo xanh của Đoàn thanh niên thì còn hăng hái hơn, bây giờ là hội viên hội phụ nữ, bà cũng không bỏ công việc thân quen là trồng rừng ngập mặn. Bà Minh kể, bản thân phải động viên chị em phụ nữ đi trồng rừng vì hoàn toàn phải làm thủ công, bao năm nay hàng vạn cây ngập mặn ra bãi biển để trồng rừng. Thủy triều rút cũng là lúc tối muộn, những người phụ nữ của huyện Thái Thụy lại chăng đèn, tiến ra biển trồng từng cây sú, cây vẹt… Khi nhìn mọi người nản chí, bà động viên mọi người “cố gắng vì tương lai con em, chúng ta trồng rừng không chỉ cho chúng ta hôm nay, mà còn để cho con cháu mai sau”.

Còn anh Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong (Đà Nẵng) được trao giải nhì về “Sáng tác thông điệp truyền thông” chia sẻ: “Thành phố nơi tôi sống cứ một năm phải hứng chịu khoảng 10 cơn bão, hồi nhỏ tôi chứng kiến ba mẹ phòng chống bão, sau này khi trưởng thành thì bản thân tôi chung tay góp sức cùng gia đình. Đó chính là chất liệu cuộc sống mà tôi mang vào thông điệp dự thi. Thông điệp nhấn mạnh vào việc thiên tai năm nào cũng có, không dừng lại; Thiên tai ảnh hưởng tới tất cả mọi người không phân biệt giới tính, độ tuổi nên mọi người cùng chung tay và thông điệp cuối cùng đó là chúng ta đều phải làm bằng tất cả trái tim”.

Nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng, trong đó phải kể tới vai trò, đóng góp của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng trong phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP 26. 

ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc